|
Sản xuất khó khăn khiến doanh nghiệp tiếp tục chiếm dụng vốn từ tiền thuế. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Trao đổi tại buổi họp báo sáng 5/7 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết cơ quan này đang khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ thuế, nhằm thúc đẩy sản xuất - tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm. Riêng về hỗ trợ đối với cá nhân, việc miễn thuế thu nhập bậc một đang được triển khai. Theo đó, sẽ có khoảng 400.000 người được miễn thuế với tổng số tiền ước tính khoảng 3.000 tỷ trong vòng 6 tháng cuối năm.
Bậc thuế |
Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) |
Thuế suất (%) |
1 |
Đến 5 |
5 |
2 |
Trên 5 đến 10 |
10 |
3 |
Trên 10 đến 18 |
15 |
4 |
Trên 18 đến 32 |
20 |
5 |
Trên 32 đến 52 |
25 |
6 |
Trên 52 đến 80 |
30 |
7 |
Trên 80 |
35 |
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, khác với lần miễn thuế năm 2009, năm nay, thu nhập của 6 tháng tính thuế (đầu năm) và 6 tháng miễn thuế (cuối năm) sẽ được tách riêng khi quyết toán thuế cuối năm. Do đó, người nộp thuế sẽ không bị thiệt thòi do chênh lệch thu nhập giữa 2 khoảng thời gian nêu trên (do thu nhập tính thuế cuối năm được tính trên cơ sở trung bình 12 tháng).
Đối với doanh nghiệp, tổng số tiền doanh nghiệp được miễn, giảm, giãn theo 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo là hơn 36.000 tỷ đồng. Riêng số thuế giá trị gia tăng (VAT) được giãn là hơn 12.000 tỷ đồng với trên 80.000 doanh nghiệp được hưởng, tính đến hết tháng 6. Tuy nhiên, để đảm bảo cân đối thu chi, bên cạnh cách giải pháp này, ngành tài chính cũng phải tiến hành một loạt các biết pháp chông thất thu, nhất là ở khu vực doanh nghiệp.
Cụ thể, tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp sau 6 tháng đầu năm lên tới hơn 40.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ so với cuối năm 2011. Nguyên nhân của tình trạng này là tình trạng sản xuất tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lãi suất tuy hạ dần nhưng tiếp cận vốn ngân hàng còn khó khăn, dẫn tới doanh nghiệp cố tình chậm nộp để chiếm dụng vốn.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, do lãi suất hiện nay đã hạ, thấp hơn so với mức phạt chậm nộp (18,25% một năm) nên việc né thuế không còn nhiều ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Tình trạng nợ đọng, do đó có thể giảm xuống. Ngoài ra, ngành thuế cho biết cũng sẽ đẩy mạnh các biện pháp nhằm thu đủ số thuế còn thiếu, thực hiện các biện pháp cưỡng chế nếu cần. “Cơ chế hiện nay là doanh nghiệp tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Do đó không thể có chuyện doanh nghiệp bảo tôi thừa tiền nhưng chưa thấy ngành thuế nhắc nên chưa nộp, như một vài trường hợp trước đây”, Thứ trưởng Tuấn khẳng định.
Ngoài các vấn đề liên quan đến thuế, câu chuyện điều hành giá xăng dầu, điện cũng được đại diện Bộ Tài chính đề cập trong buổi họp báo. Sau câu chuyện giao quyền tự chủ giá bán cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, dư luận tỏ ra lo ngại trước việc các doanh nghiệp có thể bắt tay thao túng giá. Tuy nhiên, đại diện Bộ khẳng định không thể xảy ra chuyện này do cơ chế thị trường đang thực hiện vẫn phải chịu sự quản lý của Nhà nước, thông qua đăng ký giá.
“Đây là giải pháp mang tính tình thế, phù hợp với giai đoạn hiện nay, bởi thị trường xăng dầu hiện nay vẫn có doanh nghiệp chiếm trên 60% thị phần. Như vậy không thể thả cho các doanh nghiệp tự do cạnh tranh”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Về việc điều chỉnh giá điện vừa qua của EVN, đại diện Bộ Tài chính cho biết với mức tăng giá 5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước sẽ bị đội lên khoảng 0,369%. Tuy nhiên, về quy trình tăng giá, đại diện ngành tài chính cho biết do mức tăng chỉ là 5% nên vấn đề này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của EVN và Bộ Công Thương.
Nhật Minh
Các tin khác