Theo số liệu VNDIRECT thống kê, đến nay đã có gần một nửa trong số 68 doanh nghiệp ngành bất động sản công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III. Trong đó, 8 doanh nghiệp niêm yết bị lỗ, chiếm tỷ trọng trên 30% danh sách các công ty đã công bố, mức lỗ phổ biến là 1-4 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại vẫn có lãi trong quý nhưng gần 60% số này giảm lãi so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có đơn vị còn hạ tới 99% lãi.
Dẫn đầu nhóm doanh nghiệp lỗ quý III/2012 là Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Khang An (KAC) với lợi nhuận sau thuế âm 24,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 242 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2012, đơn vị này vẫn có lãi ròng đạt 70,8 tỷ đồng, cao hơn nửa đầu năm ngoái tới 141 lần.
Địa ốc Khang An cho biết, nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ quý III năm nay bắt nguồn từ việc công ty thỏa thuận thanh lý các quỹ đất từng đầu tư những năm trước nhưng không hiệu quả tại TP HCM. Hoạt động này đã khiến Địa ốc Khang An phải chi thêm 27 tỷ đồng tiền phạt.
|
Thống kê những doanh nghiệp bất động sản có mức lỗ, lãi cao nhất và thấp nhất trong quý III/2012. Đơn vị: Tỷ đồng |
Dù vậy, Địa ốc Khang An vẫn được xem như một doanh nghiệp có mức tăng trưởng đột biến khi lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 46,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với kết quả 744 triệu đồng của 9 tháng đầu năm 2011.
Công ty cổ phần Đầu tư tài chính quốc tế và Phát triển doanh nghiệp IDJ (IDJ) là doanh nghiệp hiện có mức lỗ thấp nhất danh sách, âm 877 triệu đồng lợi nhuận sau thuế quý III năm nay. Cùng kỳ năm ngoái, đơn vị này cũng lỗ sau thuế tới 6,3 tỷ đồng.
Hiện tại, điểm sáng hiếm hoi của ngành bất động sản là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII). Kết thúc quý III/2012, doanh nghiệp đạt 101,9 tỷ đồng lãi ròng, giảm nhẹ 0,25% so với cùng kỳ 2011 (102,1 tỷ đồng).
Cũng trong xu thế kinh doanh có lãi, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng thương mại Dầu khí IDICO (PXL) có mức lợi nhuận sau thuế 54,4 triệu, giảm 97% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không bán được hàng khiến doanh thu giảm, trong khi lượng hàng tồn kho ngày càng lớn là nguyên nhân chính khiến nhiều công ty địa ốc lỗ hoặc giảm lãi nghiêm trọng. Trong số 27 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất, 17 công ty có lượng hàng tồn kho tăng so với cùng kỳ.
Lượng hàng tồn kho “khủng” trong số này phải kể đến là Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (VPH). Cuối quý III, số dư hàng tồn kho của VPH lên đến 1.375,65 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm và chiếm 80% tổng tài sản của công ty. VPH cho biết, hàng tồn kho chủ yếu là chi phí sản xuất, hoạt động dở dang ở các dự án khu chung cư, dân cư, bệnh viện...
Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng nằm trong số doanh nghiệp có lượng tồn kho lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cuối quý III, tồn kho của DPR lên tới 4.483 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với cùng kỳ. PDR đang triển khai 4 dự án The Everich 2, The Everich 3, dự án Nhà Bè và dự án Long Thạnh Mỹ.
|
Lượng hàng tồn kho của một số doanh nghiệp tính đến cuối quý III (Đơn vị: tỷ đồng) |
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) đứng đầu trong số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính về tốc độ gia tăng của lượng hàng tồn kho. Con số hàng tồn kho của VCR tính đến cuối quý III năm 2011 chỉ là xấp xỉ 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối quý III năm nay, con số này lên tới 405,22 tỷ đồng, chiếm 86,8% tài sản ngắn hạn.
Sản phẩm chính của VCR là bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính cho thấy suốt 9 tháng đầu năm, VCR không có khoản doanh thu bán hàng.
Hàng tồn kho của PXL cũng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Không bán được hàng nên, quý III, doanh thu của PXL chỉ đạt 3,95 tỷ đồng, trong đó 98,2% là từ hoạt động tài chính.
Theo thống kê, Hà Nội đang tồn khoảng 40.000 căn hộ. Ở TP HCM con số này là 20.000 căn hộ, nâng mức tồn cả nước lên tới 60.000 căn. Một chuyên gia kinh tế làm phép tính, nếu đơn cử 1 tỷ đồng mỗi căn hộ thì số tiền 'chôn' trong bất động sản lên tới 60.000 tỷ đồng, tương đương với 2,86 tỷ đôla.
Những con số lỗ lãi, tồn kho của các doanh nghiệp niêm yết mới phản ánh được một góc của bức tranh toàn cảnh về ngành bất động sản hiện nay. Vấn đề giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu... để cứu các doanh nghiệp bất động sản vẫn là bài toán khó đã không ít lần được đặt lên bàn nghị sự của cơ quan quản lý. Nhiều chính sách cũng đã được ban hành nhưng dường như vẫn chưa đủ để vực dậy thị trường địa ốc vượt qua cơn "bĩ cực".
Ngọc Tuyên - Tường Vi
Các tin khác