Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về nguyên nhân thị trường địa ốc đóng băng, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM khẳng định do doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu nên chỉ xây nhà cho tầng lớp trung lưu trở lên.
>Đua giảm giá căn hộ để kích cầu
Sáng 13/7, nhiều đại biểu HĐND quan tâm đến vấn đề bất động sản đóng băng trong phần chất vấn lãnh đạo UBND TP HCM và các sở ngành. Đại biểu Đinh Phương Duy cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản đang bị đóng băng. Nhiều doanh nghiệp đã hạ giá căn hộ nhưng vẫn không bán được. "Thành phố có cách nào để kích thích thị trường bất động sản phát triển trở lại. Đồng thời đánh giá thị trường này sẽ như thế nào trong những năm tới?", ông Duy đặt vấn đề.
Trả lời chất vấn, ông Thái Văn Rê - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố khẳng định, thị trường bất động sản đóng băng có nhiều nguyên nhân nhưng dễ thấy nhất là doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường. Ông lấy ví dụ, một cán bộ nhà nước với đồng lương ít ỏi thì khó có thể mua được nhà ở.
|
Đại biểu HĐND TP HCM chất vấn. Ảnh: T.L |
Theo ông, doanh nghiệp nên tập trung vào nhu cầu của người thu nhập thấp thay vì xây nhà giá cao cho tầng lớp trung lưu trở lên với số tiền hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. "Đó là quyền tự quyết của doanh nghiệp nhưng theo tôi họ nên nghiên cứu lại. Xây dựng nhà rồi cuối cùng để đó không bán được, thậm chí hạ giá cũng ế", ông Rê nói.
Ông Rê cho biết, hiện nay, để giải quyết vấn đề này cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Chính phủ đã mở ra theo hướng ngân hàng cho doanh nghiệp bất động sản vay đối với các dự án đầu tư có hiệu quả. Tiếp nữa, người dân được vay để mua nhà. "Hai chính sách này cùng với việc doanh nghiệp bất động sản nghiên cứu kỹ đối tượng mình phục vụ thì tương lai bất động sản sẽ khá hơn", ông Rê nói.
Còn ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, để kích thích thị trường bất động sản phát triển thì phải giảm giá càng thấp càng tốt. Theo ông Hà, giá bất động sản hiện nay còn rất cao so với nhu cầu xã hội. "Giá bất động sản cao là do giá đất chứ không phải do xây dựng. Giá đất của mình thuộc loại cao nhất thế giới. Với trình độ phát triển kinh tế như thế này, giá đất cao thì không một nền kinh tế nào chịu nổi", ông Hà nói.
Vị Phó chủ tịch thành phố khẳng định, giá và các quy định về đất đai chính là "điểm nghẽn" lớn nhất tái cơ cấu kinh tế. Do đó, ông Hà kiến nghị cần phải thay đổi chính sách đất đai.
Ông Hà cho biết thêm, chính bất động sản cũng có lỗi trong vấn đề giá đất cao. "Một dự án đền bù theo giá thị trường nhưng giá thị trường lại do các tay bất động sản đưa ra, mỗi ngày một cao hơn. Nếu chúng ta cứu doanh nghiệp bất động sản thì chỉ mới giải quyết được phần ngọn thôi", ông Hà nói.
Ngoài nguyên nhân đóng băng thị trường bất động sản, năng suất lao động của 4 ngành công nghiệp trọng điểm cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TP HCM giai đoạn 2011-2015 đã được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 9 đề ra. Trong đó Thành phố tập trung đầu tư chiều sâu và ưu tiên 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí, điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến lương thực - thực phẩm.
Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, muốn chỉ đạo tốt phải nắm chắc năng suất ngành công nghiệp. "Đề nghị lãnh đạo thành phố làm rõ năng suất ngành công nghiệp, đặc biệt là 4 nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn", ông Sen đặt vấn đề.
|
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà trả lời chất vấn. Ảnh: T.L |
Trả lời chất vấn, ông Thái Văn Rê nói, do "không theo dõi sát" nên đề nghị lãnh đạo các sở ngành khác bổ sung. Ông cho biết, giá trị tăng thêm của 4 nhóm ngành công nghiệp năm 2011 chiếm 57,6% so với tỷ trọng chung của toàn ngành. Cụ thể, cơ khí chế tạo chiếm 19,9%, điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin 6,7%, hóa chất - nhựa - cao su chiếm 27,6% và chế biến lương thực - thực phẩm chiếm 5,8%.
Chính sách phát triển Khu công nghệ cao và Công viên phần miềm Quang Trung được các đại biểu "truy" nhiều nhất. Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, khu phần mềm Quang Trung đã được hình thành từ lâu (hơn 10 năm nay) và đã có rất nhiều tiền của đầu tư vào đây nhưng đến nay chưa thấy hiệu quả rõ ràng. Tình hình xuất khẩu chỉ được vài chục triệu đô. "Nhưng cái ồn ào nhất là hàng chục ngàn lao động đang học nghề ở đây. Thưa ông Phó chủ tịch Thành phố, chúng ta đang biến nơi này thành trường học, trung tâm đào tạo hay là khu công nghệ phần mềm?", ông Sen chất vấn.
Trả lời, ông Lê Mạnh Hà cho rằng đánh giá Công viên phần mềm Quang Trung có hiệu quả kinh tế thấp là chưa chính xác. "Nếu như 40 ha tại Công viên này đem đi kinh doanh địa ốc thì có lẽ hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng Việt Nam sẽ không có một ngành công nghiệp phần mềm", ông Hà nói.
Theo ông, công viên này đang trở thành ngọn cờ đầu của cả nước và là mô hình đang chuẩn bị được nhân rộng ra chuỗi các công viên phần mềm ở các nơi khác. "Ngành phần mềm là ngành khai thác chất xám. Vì vậy không thể lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo chất lượng công viên này được", ông Hà nói.
Tá Lâm
Các tin khác