Làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức Phlipp Roesler khẳng định sẽ góp phần thúc đẩy việc phê chuẩn các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và EU.
>Bộ trưởng Đức gốc Việt thăm Việt Nam
>Những điều thú vị về bộ trưởng gốc Việt ở Đức
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, chiều 17/9, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức – Philipp Roesler đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao - Phạm Bình Minh. Tại đây, 2 bên đã trao đổi, thống nhất một số biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và nhà đầu tư của mỗi nước hoạt động thuận lợi tại thị trường của nhau.
|
Bộ trưởng Ngoại giao - Phạm Bình Minh tiếp Bộ trưởng Roesler chiều 17/9. Ảnh: Nhật Minh |
Từ nhiều năm nay, Đức liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại EU với tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 33 % so với năm 2010. Hai bên đang phấn đấu nâng kim ngạch hai chiều lên 7 tỷ USD trong thời gian tới. Về đầu tư, tính đến nay, Đức có 185 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt trên 900 triệu USD (xếp thứ 24/95 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam).
Nhất trí thúc đẩy các dự án ưu tiên giữa 2 nước (xây dựng tuyến tầu điện ngầm số 2 tại TP HCM, Trường Đại học Việt - Đức, Ngôi nhà Đức tại TP HCM...), Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng đánh giá cao hiệu quả các dự án ODA do Đức tài trợ trong các lĩnh vực cải cách kinh tế vĩ mô, bảo vệ môi trường, y tế, dạy nghề... Bộ trưởng cũng đề nghị phía Đức tiếp tục ưu tiên ODA cho Việt Nam, mở rộng sang các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh và nhu cầu của đôi bên như ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch và tái tạo...
Về phần mình, Bộ trưởng Roesler khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và đối tác (PCA) và tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa 2 bên. Ông Roesler cũng bày tỏ mong muốn hai nước cần tranh thủ vị thế của nhau tại ASEAN và EU để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai khu vực.
Ngay sau khi làm việc với đại diện ngành ngoại giao Việt Nam, Bộ trưởng Philipp Roesler đã nhận bằng Tiến sĩ Danh dự tại trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội). Đây được xem là sự ghi nhận từ phía Việt Nam đối với những đóng góp nổi bật của ông Roesler trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa hai nước.
|
Bộ trưởng Roesler rất cảm kích khi nhận bằng Tiến sĩ danh dự tại Việt Nam. Ảnh: Anh Quân |
Phát biểu ngay sau khi nhận bằng, Bộ trưởng Roesler cho biết ông rất cảm kích trước tình cảm cũng như danh hiệu được trao tặng. Người đứng đầu cơ quan quản lý kinh tế Đức, ngay sau đó đã có bài tham luận với chủ đề. "Cơ hội của nền kinh tế thị trường xã hội". Theo ông Roesler, trong quá trình phát triển kinh tế thế giới, khó thể chọn ra một mô hình kinh tế được gọi là tối ưu. "Con người mới là yếu tố quan trọng trong việc quyết định một nền kinh tế tốt" ông nói.
Liên quan tới bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đều đang gặp nhiều khó khăn. Ở những nước có tỷ lệ lạm phát cao, chính phủ phải tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng, khiến doanh nghiệp "khó thở", đặc biệt là những đơn vị mới thành lập.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp tốt nên cố gắng tồn tại độc lập, tự đổi mới mình và một trong những biện pháp tốt nhất là cổ phần hóa. "Không Nhà nước nào bỏ qua được tư nhân hóa và cổ phẩn hóa. Nền kinh tế thị trường phải mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Nếu Việt Nam tiếp tục tiến hành cổ phần hóa, tư nhân hóa doanh nghiệp, thì đây sẽ là cơ hội để tạo phồn thịnh cho quốc gia", ông nhận định.
Theo dự kiến, trong ngày 18/9, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức sẽ làm việc và họp báo chung với Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư – Bùi Quang Vinh. Chiều cùng ngày, ông Roesler sẽ tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước khi bay vào TP HCM để dự Diễn đàn Kinh tế Đức – Việt.
Đây được xem là sự kiện kinh tế lớn giữa 2 nước bởi đi cùng Bộ trưởng Roesler có khoảng 230 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức như Siemens, Deutsche Bank, Metro Cash & Carry, Deutsche Telekom, BMW, Mercedes, Audi... Tại diễn đàn, ông Roesler cũng sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Công Thương Việt Nam –Vũ Huy Hoàng.
Anh Quân – Nhật Minh
Các tin khác