Theo Kiểm toán Nhà nước, DATC không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ chính là mua nợ, trong khi đó lại sử dụng vốn hiệu quả thấp, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn.
>DATC muốn 'cứu' nợ xấu ngân hàng
Sáng nay (17/7) Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm toán năm 2010. Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, Công ty TNHH một thành viên mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang đối mặt với nguy cơ mất vốn.
Cụ thể, DATC không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ là mua bán nợ. Đồng thời, công ty này đầu tư dài hạn tái cấu trúc doanh nghiệp, sử dụng vốn hiệu quả thấp, gửi tiền và cho vay không đúng chức năng nhiệm vụ, thanh khoản kém, có nguy cơ mất vốn, tiếp nhận bàn giao còn một số tồn tại.
|
DATC đối mặt với nguy cơ mất vốn. Ảnh: DATC |
Hệ số bảo toàn vốn năm 2010 của DATC, nghĩa là vốn chủ sở hữu năm 2010 trên vốn chủ sở hữu năm 2009 là 1,04%, rất thấp so với lạm phát năm 2010 (11,75%), báo cáo kiểm toán cho biết.
Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư của chủ sở hữu của công ty này là 5,48% (thấp hơn năm trước). Trong đó tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư vào công ty con là 5,2%; công ty liên doanh liên kết là 0,06%; đầu tư dài hạn khác là 2,8%.
DATC gửi tiền tại Công ty Cho thuê tài chính II Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALC II) 110 tỷ đồng, cho vay Công ty Cà phê Ia Châm 27,39 tỷ đồng, cho vay Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 675 là 6 tỷ đồng… Đến ngày 31/12/2011, các hợp đồng tiền gửi tại ALCII đã quá hạn trên 2 năm nhưng chỉ thu được 12,68 tỷ đồng tiền lãi, nguy cơ mất vốn ước tính trên 70 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo Kiểm toán Nhà nước, DATC sử dụng nợ phải thu và tài sản tồn đọng đã mua để góp vốn thành lập Công ty cổ phần Xi măng Bắc Kạn – DATC. Tuy nhiên, DATC không thuê thẩm định giá, không xử lý tài chính đối với các khoản nợ và tài sản tồn đọng đã mua trước khi góp vốn.
Trong khi, thực tế DATC cùng Công ty cổ phần Xây dựng Thái Nguyên và Công ty Khoáng sản và Xây dựng Hà Nội định giá trị nợ và tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Xây dựng Thái Nguyên do DATC đã mua làm căn cứ để góp vốn 21,8 tỷ đồng, giảm so với giá trị sổ sách là 62,18 tỷ đồng.
Tại thời điểm tháng 3/2011 DATC đã xóa nợ 26,96 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Công trình 134. Khoản xóa này không căn cứ vào báo cáo tài chính năm 2010, không đúng quy định về chức năng hoạt động của DATC.
Tuy nhiên, đánh giá về những sai phạm nêu ra trong báo cáo, ông Lê Minh Khái - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng: "Về cơ bản, DATC cũng đã thực hiện được một số chức năng và cũng giúp một số doanh nghiệp cải thiện, tái cơ cấu tốt. Nhưng, trong quá trình hoạt động, DATC cũng có một số bất cập như báo cáo kiểm toán đã trình bày".
Đồng thời, ông Khái cũng cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ chỉ đạo "kiểm điểm quyết liệt" với sai phạm tại DATC.
Đồng tình với quan điểm DATC đã đạt được những mục tiêu cơ bản, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: "Đây là những sai sót trong quá trình thủ tục triển khai thực hiện, nhưng đến nay chưa có dấu hiệu hình sự".
"Sai sót này có thể do chủ quan, hoặc do con người thực hiện trình tự đc giao. Nhưng một phần, những người làm công tác vĩ mô cũng cần xem lại trình tự của mình đã phù hơp chưa", ông Kiên phát biểu.
Thông tin tiêu cực về tình hình tài chính của DATC được kiểm toán công bố ít ngày sau khi lãnh đạo công ty này ngỏ ý muốn đứng ra xử lý nợ xấu ngân hàng. DATC thậm chí còn đề xuất nâng cấp chức năng và hoạt động của mình, để có thể làm thay Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu hiện nay.
Trao đổi với VnExpress mới đây, ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc DATC cho rằng, công ty này hoàn toàn có đủ khả năng để nâng cấp thành công ty mua bán nợ xấu quốc gia và không nhất thiết thành lập một công ty mua bán nợ hoàn toàn mới.
DATC thành lập năm 2003 theo quyết định của Thủ tướng, quy mô vốn 2.000 tỷ đồng lấy hoàn toàn từ ngân sách Nhà nước. Mục tiêu của DATC là hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại lành mạnh hóa tình hình tài chính trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua hoạt động mua bán nợ và tài sản tồn đọng.
Trong hoạt động mua bán nợ và tài sản, lũy kế từ năm 2004 đến 30/6/2012, DATC đã thực hiện 121 phương án mua bán nợ và tài sản, giá trị các khoản nợ và tài sản theo mệnh giá sổ sách kế toán là 7.994,9 tỷ đồng, giá vốn mua nợ và tài sản là 2.383,8 tỷ đồng; đã thu hồi được 2.384,9 tỷ đồng.
Thanh Lan - Tuấn Lân
Các tin khác