Thị trường phát điện cạnh tranh, bước đầu tiên cho quá trình phát triển thị trường điện Việt Nam, bắt đầu đi vào hoạt động từ 1/7, cùng ngày với việc áp dụng giá bán lẻ mới, tăng 5% so với trước.
>Tăng giá điện từ 1/7
|
Phát điện cạnh tranh là bước đầu tiên trong lộ trình tự do hóa thị trường điện lực. |
Theo văn bản số 5742 ngày 29/6 của Bộ Công Thương, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), với vai trò là Đơn vị điều hành hệ thống điện và thị trường điện, có nhiệm vụ thông báo vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức từ hôm nay. A0 cũng sẽ có trách nhiệm kiểm tra và đôn đốc từng đơn vị chuẩn bị tham gia theo đúng quy định.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết sau một năm vận hành thí điểm thị trường điện, phát điện cạnh tranh , toàn bộ công tác cần thiết cho thị trường phát điện cạnh tranh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu để chính thức vận hành từ hôm nay.
Với cơ chế cạnh tranh này, 29 nhà máy điện sẽ trực tiếp nộp bản chào giá với Công ty Mua bán điện (EPTC) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. EPTC hiện là đơn vị duy nhất được phép mua buôn từ tất cả các đơn vị phát điện tham gia thị trường và bán buôn cho các công ty phân phối điện.
Theo danh sách vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, sẽ có 29 nhà máy điện trực tiếp nộp bản chào giá với EPTC, với tổng công suất lắp đặt khoảng 9.035 MW. Trong số này có 13 nhà máy thuỷ điện, 11 nhà máy nhiệt điện than, 5 nhà máy tuabin khí.
Trong danh sách này còn có 26 nhà máy điện gián tiếp tham gia vào thị trường, tuỳ từng nhà máy sẽ do Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) công bố biểu đồ huy động, biểu đồ phát hoặc do Công ty Mua Bán điện chào giá thay. 18 nhà máy điện khác tạm thời gián tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Các nhà máy này sẽ do Trung tâm điều độ hệ thống điện điện quốc gia (A0) tính toán và công bố biểu đồ phát cho các nhà máy.
Ngoài ra, còn có 20 nhà máy điện (19 thuỷ điện và 1 nhiệt điện) với tổng công suất đặt 4.567MW cũng nằm trong danh sách dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh khi chính thức vận hành thương mại.
|
Tỷ trọng cơ cấu nguồn điện các đơn vị (MW). Nguồn: A0 |
Hiện nay, ngoài EVN đang cung ứng 55% sản lượng điện trên toàn hệ thống, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản cũng tham gia sản xuất với tỷ trọng lần lượt là 11% và 5%.
Trước đó, để chuẩn bị cho việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đồng ý cho EVN ký hợp đồng mua điện của một số nhà máy điện với giá tăng 5% so với năm 2011.
Thị trường phát điện cạnh tranh là bước đầu trong lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động vận hành và định giá điện, thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện mới. Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 26/1/2006 đã nêu rõ Thị trường điện tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014); Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022); Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (sau năm 2022).
Cũng trong hôm nay, giá điện bán lẻ cho sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh sẽ đồng loạt tăng với mức tăng bình quân 5% lên 1.369 đồng. Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt ở bậc cao nhất là 2.192 đồng, thay vì mức cũ là 2.060 đồng. Giá điện sản xuất cao nhất áp dụng từ 1/7 sẽ là 2.306 đồng, tăng 281 đồng. Còn giá điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đồng/kWh, tăng 170 đồng. Riêng giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp giữ nguyên 993 đồng.
Trong sáng 1/7, ngành điện bắt đầu chốt chỉ số công tơ của các khách hàng sản xuất, kinh doanh để tiến hành áp giá bán lẻ mới.
Kỳ Duyên
Các tin khác