Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, hiện có có 22 cổ phiếu niêm yết tại đây đưa vào diện cảnh báo và 8 mã bị kiểm soát chỉ được phép giao dịch trong 15 phút cuối của phiên thứ 3. Phần lớn các doanh nghiệp vào diện này chủ yếu do kinh doanh bết bát.
Trong đó, 2 đơn vị là Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ (CMX) và Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) bị đưa vào cảnh báo do thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin định kỳ.
|
Danh sách cổ phiếu bị cảnh báo trên sàn HOSE. Nguồn: HSX. |
Công ty cổ phần Dây và cáp điện Taya Việt Nam (TYA) là doanh nghiệp duy nhất vẫn nằm trong diện cảnh báo từ năm 2009. Năm 2008, kết quả kinh doanh của đơn vị này bị âm 110 tỷ đồng, mặc dù sang năm 2009 và 2010, công ty hoạt động có lãi nhưng khoản lỗ lũy kế các năm trước vẫn “ghìm” TYA ở lại danh sách cổ phiếu bị cảnh báo.
Số lượng cổ phiếu có vấn đề trên sàn HOSE mới đây còn có mặt những “ông lớn” như Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG), Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sacom (SAM) hay Công ty cổ phần chứng khoán Sacombank (SBS).
|
Danh sách cổ phiếu bị kiểm soát trên sàn HOSE. Nguồn: HSX. |
Tính đến 30/6/2012, QCG lỗ lũy kế 6 tháng lên tới gần 2,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, công ty lãi 62,6 tỷ đồng. SBS cũng phải gánh khoản lỗ lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận âm 138,6 tỷ đồng và cả công ty bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Sàn Hà Nội, một loạt các cổ phiếu cũng bị đưa vào danh sách cảnh báo, trong đó có cả những mã thuộc danh sách HNX30 như Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVS), Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT (VND)… Thậm chí, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 4 đến tháng 5/2012, HNX cũng có tới hơn 20 mã cùng bị cảnh báo.
Nguyên nhân xuất phát từ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011, VND lỗ gần 203 tỷ đồng. Trong khi đó, BVS vào diện kiểm soát vì lợi nhuận âm liên tiếp 2 năm với âm 90,7 tỷ đồng (năm 2010) và 99,66 tỷ đồng (năm 2011).
Chị Điệp, nhà đầu tư kiêm chuyên viên phân tích tại một công ty chứng khoán ở TP HCM khẳng định: “Dứt khoát tôi sẽ không bao giờ ngó ngàng tới những cổ phiếu trong danh sách này dù nó có mãn hạn cảnh báo, kiểm soát hay không. Trên sàn còn nhiều sự lựa chọn, tôi không nghĩ việc liều lĩnh vào những mã rủi ro như vậy là việc làm khôn ngoan.”
Từ đầu tháng 8 tới nay, sau khi công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận dương, một số mã lại thoát diện cảnh báo, trong đó có những cổ phiếu công ty chứng khoán như BVS, VND, Công ty cổ phần chứng khoán Dầu Khí (PSI), Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)…
Cùng đợt này, 4 cổ phiếu hiếm hoi thuộc ngành sản xuất cũng ra khỏi danh sách cảnh báo nhờ nỗ lực khắc phục tình trạng lỗ của năm 2011. Danh sách này bao gồm: Cổ phiếu của Công ty cổ phần Viễn Liên (UNI) thoát cảnh báo ngày 20/8, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Viwaseen (VHH) và Công ty cổ phần Nagakawa Việt Nam (NAG) cũng giao dịch bình thường trở lại từ ngày 31/8
Sàn HOSE cũng có 2 mã mới ra khỏi danh sách này là cổ phiếu Công ty cổ phần Vận tải và giao nhận bia Sài Gòn (SBC) và Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh nhà (ITC).
|
Biến động về giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu NAG từ ngày 11/8 đến 11/9. NAG thoát cảnh báo từ 31/8. Nguồn: HNX |
Chị Linh, một nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội cho rằng, khi cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo mà có sóng lên thì vẫn được các nhà đầu tư “sủng ái”. “Mã nào xuất hiện sóng thì kể cả là cổ phiếu mới loại khỏi diện cảnh báo hay vẫn trong danh sách, tôi cũng sẽ xem xét đầu tư”, chị Linh nói.
|
Biến động về giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu BVS từ ngày 11/8 đến 11/9. BVS thoát kiểm soát từ ngày 15/8. Nguồn: HNX |
Tuy nhiên, lượng cổ phiếu khớp lệnh của những mã sau khi thoát cảnh báo, kiểm soát lại không ổn định. Chẳng hạn, tại thời điểm công bố thoát cảnh báo (31/5), giao dịch mã NAG lên tới 5,900 đơn vị, tăng 63% so với phiên trước đó.
Sang phiên giao dịch ngày hôm sau, lượng cổ phiếu khớp lệnh thành công giảm 35%, xuống còn 3.800 đơn vị. Thậm chí, trong một số phiên, NAG chỉ có thể khớp lệnh 100 đơn vị hoặc chẳng cổ phiếu nào mua bán thành công, đồng thời, phía các nhà đầu tư ngoại cũng không xuất hiện giao dịch với NAG.
Nhận định về vấn đề trên, anh Lâm, một chuyên gia chứng khoán lâu năm tại Hà Nội chia sẻ: “Thông thường, các cổ phiếu có vấn đề trên thị trường thì chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ, ưa thích rủi ro trong nước mới quan tâm. Nhà đầu tư ngoại hầu như không bao giờ chú ý tới các mã bị gắn ‘tiền án, tiền sự’ như vậy trên sàn”.
Tổng cộng 2 sàn giao dịch hiện nay có gần 700 đơn vị niêm yết, tăng khoảng 200 mã so với năm ngoái. Lượng cổ phiếu bị đưa vào cảnh báo và kiểm soát đặc biệt cũng nhiều hơn, nguyên nhân là tình hình kinh tế năm nay yếu kém nên những doanh nghiệp trên khó tránh khỏi ảnh hưởng, anh Lâm cho biết.
Trên sàn HOSE, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi thoát cảnh báo, lượng cổ phiếu ITC tăng 2,19 lần so với phiên kế trước, đạt 457.500 đơn vị. Thế nhưng, sang phiên sau, mức này giảm 32%, xuống còn 310.870 đơn vị.
Kể từ khi trở lại vị trí một cổ phiếu bình thường vào ngày 10/9, ITC vẫn chưa có nhà đầu tư ngoại nào đặt lệnh mua mà chỉ xuất hiện giao dịch bán. Cổ phiếu ITC bị cảnh báo từ ngày 29/3 còn SBC vào diện này từ 24/4.
|
Biểu đồ khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu ITC trong 6 tháng vừa qua. Nguồn: HSX |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích kinh tế tại Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội (SHF) cho rằng: “Các nhà đầu tư không nên tham gia vào những cổ phiếu đã bị cảnh báo hay kiểm soát. Thông thường đây là những mã kém, lỗ lũy kế nhiều, biến động mạnh, rủi ro rất cao.”
Cũng theo ông Đức, sau khi ra khỏi diện cảnh báo, kiểm soát, một số cổ phiếu vẫn ít tạo sức hút đối với các nhà đầu tư vì thanh khoản không đủ, khó thu hút dòng tiền thêm. Bên cạnh đó, hiện nay Ủy ban chứng khoán nhà nước giám sát rất chặt chẽ các hoạt động của công ty niêm yết, do vậy, một khi họ đã có quyết định cảnh báo, nhà đầu tư nên nhanh chóng rút chân khỏi cổ phiếu này, ông Đức nói thêm.
Tường Vi
Các tin khác