Chi cục thi hành án dân sự quận Bình Thạnh, TP HCM, đã gửi văn bản đến Cảng vụ hàng hải Nha Trang yêu cầu không cấp phép rời cảng cho ụ nổi Venture Dock 2, nhằm hỗ trợ thi hành hai khoản nợ lớn.
>Ụ nổi trăm tỷ hoen gỉ trên vịnh Cam Ranh/ Ụ nổi hoen gỉ vẫn bán được 15,5 triệu USD
Theo bản án phúc thẩm ngày 12/9/2011 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa của Tòa án TP HCM, Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải biển Long Sơn - đơn vị đang nhận là chủ hàng của ụ nổi Venture Dock 2 - buộc phải thanh toán cho Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) trên 3,1 triệu USD (hơn 68 tỷ đồng, cả tiền nợ gốc và lãi phát sinh).
Tháng 9/2007, Long Sơn đã ký hợp đồng mua tàu Vinashin Tiger của Vinashinlines với tổng trị giá 21,7 triệu USD. Sau đó, Long Sơn đã thanh toán nhiều đợt và còn nợ lại hơn 2,7 triệu USD rồi không tiếp tục trả hết nên bị Vinashinlines kiện ra tòa.
|
Ụ nổi gỉ sét Venture Dock 2. Ảnh: Mỹ Giang. |
Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, đại diện Long Sơn trình bày lý do không chuyển trả nốt số tiền trên là do Vinashinlines đã bàn giao tàu có khiếm khuyết mà không thông báo cho Long Sơn biết. Vì vậy, Long Sơn buộc Vinashinlines phải bồi thường chi phí sửa chữa tàu Vinashin Tiger là trên 2,4 triệu USD và thiệt hại do ngừng khai thác tàu hơn 1,5 triệu USD. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều đã bác yêu cầu này của Long Sơn và buộc công ty này phải hoàn trả tiền cho Vinashinlines.
Việc cơ quan thi hành án “nhắm” vào ụ nổi Venture Dock 2 để bảo đảm thi hành bản án này là do yêu cầu của chủ nợ Vinashinlines.
Ụ nổi Venture Dock 2 do Công ty CP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP - thuộc Vinashin) mua lại Công ty Long Sơn với giá 15,5 triệu USD (hơn 310 tỷ đồng). Theo hợp đồng mua bán, mọi trách nhiệm pháp lý đối với ụ nổi Venture Dock 2 do bên Long Sơn đảm nhận. “Đống sắt” này đã được chào mời đến cả chục khách hàng trong và ngoài nước nhưng đều không thành vì họ chỉ trả giá vài triệu USD.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản yêu cầu chủ hàng Venture Dock 2 phải di dời ụ nổi hoen gỉ này trước tháng 7 để bảo đảm hàng hải và bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa và Cảng vụ hàng hải Nha Trang. Trước đó, hai cơ quan này đã phối hợp kiểm tra an toàn hàng hải đối với ụ nổi Venture Dock 2. Kết quả cho thấy, hồ sơ đăng kiểm của ụ nổi đã hết hạn; trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa không được bảo dưỡng duy tu tốt; ụ nổi trong tình trạng không sẵn sàng sử dụng … Trong khi đó, cuối năm 2009, ụ nổi Venture Dock 2 đã từng bị rê neo, trôi trên vịnh Nha Trang.
Ông Trần Đức Thi, Phó giám đốc Cảng vụ hàng hải Nha Trang cho biết: “Theo Luật Hàng hải Việt Nam 2005, việc cấm rời cảng chỉ có thể thực hiện khi có một quyết định bắt giữ phương tiện của cơ quan tòa án có thẩm quyền. Nếu không, khi chủ ụ nổi làm xong thủ tục hải quan và trả đủ nợ phí neo đậu thì Cảng vụ phải cấp phép rời cảng cho Venture Dock 2".
Cũng theo ông Thi, hiện nay chủ hàng của Venture Dock 2 “không chịu trả” phí neo đậu cho Cảng vụ hàng hải Nha Trang, tổng số tiền nợ cho đến nay đã là trên 50.000 USD. Cảng vụ hàng hải Nha Trang cũng đã “tranh thủ nhờ” Chi cục thi hành án Dân sự quận Bình Thạnh thu hồi số nợ phí neo đậu nói trên trong khi thi hành án bản án này.
Mỹ Giang
Các tin khác