Nhà thầu sản xuất Lockheed Martin vừa chính thức bàn giao Vinasat-2 cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Hiện, Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) đảm trách nhiệm vụ quản lý, vận hành hoạt động của vệ tinh này.
Trong 3 tháng tới, Lockheed Martin tiếp tục cử 2 chuyên gia hỗ trợ trực tiếp, giúp VNPT vận hành Vinasat-2. Sau thời gian đó, nếu có bất kỳ vấn đề gì, trung tâm hỗ trợ khách hàng, hoạt động 24/7 của nhà thầu này vẫn tiếp tục ứng cứu vệ tinh.
|
Tổng Giám đốc Lookheed Martin, ông Joe Ricker bàn giao chứng nhận sở hữu Vinasat-2 cho VNPT. Ảnh: VNPT. |
Trước đó, sau khi được phóng thành công lên quỹ đạo địa tĩnh 131,8 độ Đông vào rạng sáng ngày 16/5 (theo giờ Việt Nam), Vinasat-2 đã được đo kiểm các thông số kỹ thuật. Khi hệ thống ổn định, Lockheed Martin đưa tín hiệu RF để kiểm tra kênh, đảm bảo truyền tín hiệu tốt, rồi đo kiểm tính tương thích giữa trạm vệ tinh và trạm mặt đất.
Trạm điều khiển vệ tinh chính ban đầu là ASOC (Mỹ) với sự hỗ trợ của trạm Quế Dương (Việt Nam). Sau quá trình chuyển giao, đến ngày 26/6, Quế Dương trở thành trạm vận hành chính của Vinasat-2.
"Kết quả kiểm tra chất lượng vượt độ tin cậy, đạt 0,87 so với mức 0,82 đã đề ra. Thời gian 'sống' của vệ tinh là 16 đến 21,3 năm so với thiết kế 15 năm", ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình của VNPT nói.
Tổng giám đốc Lockheed Martin, ông Joe Ricker cho biết, hiện, hệ thống vệ tinh Vinasat-2 hoàn toàn có thể khai thác thương mại. Tất cả thiết bị đã được bật lên, vệ tinh đã sẵn sàng. Theo ông, các bộ dự phòng và nhiên liệu vượt chuẩn sẽ giúp kéo dài thời gian "sống" của Vinasat-2.
Sau khi tiếp quản Vinasat-2, ngay trong tháng 7, VNPT sẽ cung cấp các dịch vụ từ vệ tinh này. Thời gian thu hồi vốn dự kiến khoảng 10 năm. Ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế VTI cho biết, thời gian qua đã làm việc với những khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước, nhận được nhiều sự quan tâm của đối tác song hợp đồng chính thức phải chờ sau khi vệ tinh được chính thức bàn giao.
Theo ông Cường, dung lượng Vinasat-1 đã gần hết. Do đó, Vinasat-2 đi vào kinh doanh sẽ đáp ứng nhu cầu mở rộng vùng phủ sóng của những khách hàng đang sử dụng vệ tinh thương mại đầu tiên, cũng như những đối tác khai thác mới. Ngoài ra, VNPT sẽ dành dung lượng để truyền thông tin đến tất cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo, gian khoan trên mọi miền đất nước...
Về khoản vay 125,9 triệu USD cho Vinasat-2 vừa được Tổng thống Mỹ thông qua mới đây, ông Hoàng Minh Thống cho biết, số tiền này được dùng để trả nợ những nguồn vay thương mại cho vệ tinh này. "Đây là vay ưu đãi, không ràng buộc gì, Chính phủ Mỹ hỗ trợ những dự án do Mỹ sản xuất, nhưng thủ tục lâu do phải điều tra, đánh giá doanh nghiệp.
Ông Joe Ricker cho biết thêm, khoảng một tháng nữa, số tiền trên sẽ về tới VNPT để trả những khoản vay thương mại trước đó đã đầu tư cho vệ tinh này.
Cùng với Vinasat-1 được phóng thành công năm 2008, Vinasat-2 tạo một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng, giảm thiểu rủi ro, góp phần tăng cường độ ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ. Theo ông Thống, tuy lợi nhuận từ Vinasat-2 có thể không cao, song vệ tinh đảm bảo tính an toàn quốc gia. Đơn cử như năm 2006, động đất ở Đài Loan khiến toàn bộ phần cáp
quang, truyền dẫn cáp quan bị đứt. Khi đó, nếu không có vệ tinh hỗ trợ thì mức thiệt hại đã lên tới tới 10 tỷ USD.
Xuân Ngọc
Các tin khác