Dù đã được phóng lên quỹ đạo hơn một tháng nhưng đến nay, khoản vay gần 126 triệu USD cho Vinasat-2 mới được phía Mỹ đồng ý giải ngân. Trước đó, để đảm bảo tiến độ, VNPT đã phải thu xếp vốn từ nhiều nguồn khác.
>'10 năm mới thu hồi được vốn đầu tư cho Vinasat-2'
>4.700 tỷ đồng bảo hiểm cho vệ tinh Vinasat-2
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Barrack Obama vừa đồng ý cho phép Ngân hàng Xuất nhập khẩu nước này (EX-IM Bank) giải ngân khoản vay 125,9 triệu USD dành cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sử dụng trong dự án mua vệ tinh thương mại do Mỹ sản xuất.
|
VNPT vay gần một nửa số vốn đầu tư cho Vinasat-2 từ ngân hàng Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin |
Thông tin này được phát ngôn viên của EX-IM Bank - Phil Cogan đưa ra. Theo đó, luật pháp Mỹ chỉ cho phép các ngân hàng thực hiện các khoản vay trên 50 triệu USD đối với các nền kinh tế như Việt Nam khi có sự chấp thuận của Tổng thống nước này. Sau đó, thương vụ còn phải được thông qua tại Quốc hội Mỹ cũng như hội đồng quản trị của bản thân EX-IM Bank.
Trao đổi với VnExpress.net, nguồn tin từ VNPT xác nhận khoản vay 125,9 triệu USD nằm trong số 80% vốn vay mà tập đoàn này phải thu xếp cho dự án Vinasat-2 (có tổng mức đầu tư 260 - 280 triệu USD). "Đây không phải vốn đầu tư cho một dự án vệ tinh mới của VNPT", nguồn tin này khẳng định. Trước đó, theo công bố của VNPT, Tập đoàn này chỉ có 20% vốn đối ứng trong dự án Vinasat-2. 80% còn lại được thu xếp từ các nguồn khác nhau, bao gồm vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và vay thương mại.
Trước đó, ngày 16/5, Vinasat-2 đã được phóng thành công lên quỹ đạo bằng tên lửa Arian 5 của Công ty Vận tải hàng không vũ trụ Châu Âu (ArianeSpace) và ổn định ở vị trí 131,8 độ Đông. Vinasat-2 do nhà thầu Lockheed Martin thực hiện, có 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku và được thiết kế tuổi thọ 15 năm.
Theo VNPT, trong tháng 7, sau khi hoàn tất các công đoạn kiểm tra cuối cùng, Vinasat-2 sẽ được đưa vào khai thác thương mại và thu hồi vốn trong khoảng 10 - 12 năm. Vinasat-2 là vệ tinh thương mại thứ hai của Việt Nam. Trước đó, Vinasat-1 được phóng năm 2008 và đến nay đã khai thác được 90% dung lượng. Theo Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) - đơn vị trực tiếp khai thác Vinasat-1, doanh thu năm 2012 của vệ tinh ước khoảng 15 triệu USD, cao hơn so với những năm trước do dung lượng khai thác tăng lên đáng kể.
Vệ tinh thứ ba của Việt Nam mang tên F-1 do Phòng nghiên cứu không gian FSpace thuộc Đại học FPT chế tạo và dự kiến được phóng vào ngày 21/7 tới từ Nhật Bản. Mục đích chủ yếu của F-1 là thử nghiệm một số công nghệ do Việt Nam thực hiện như chụp ảnh trái đất, cảm biến từ trường 3 trục SDTM, trung chuyển tin nhắn SMS... Nếu thành công, FPT sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam chế tạo thành công vệ tinh nhỏ.
Xuân Ngọc - Nhật Minh
Các tin khác