Tổng mức giải ngân FDI 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,4 tỷ USD, so với gần 6,4 tỷ USD mà các doanh nghiệp đăng ký. Tuy vậy, số liệu cũng cho thấy dòng vốn thực đổ vào nền kinh tế đã liên tục giảm trong 4 tháng gần đây.
>CPI lần đầu ở mức âm sau 38 tháng
>Chuyên gia quốc tế 'nửa mừng nửa lo' cho lạm phát tại VN
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân trong 6 tháng đầu năm là 5,4 tỷ USD. Riêng trong tháng 6, con số này đạt khoảng 890 triệu USD, là mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Con số này cùng với nhiều báo cáo trước đó cho thấy sức hút của Việt Nam đối với nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đà tăng trưởng chậm, cũng như sự khó khăn của môi trường kinh tế bên ngoài.
|
Giải ngân FDI giảm rõ rệt trong 4 tháng gần đây. Đơn vị: tỷ USD. Số liệu: FIA |
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, nhiều nhà đầu tư cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ khoảng 4-4,5% trong 2 quý đầu năm đang là một trở lực lớn, dù Chính phủ đã đạt được nhiều thành công trong kiềm chế lạm phát. “Xét ở mặt bằng chung thì 4% không tồi, nhưng với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, con số này không ổn”, cựu Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu - Alan Cany nhận định.
Cùng với lượng giải ngân thì số vốn FDI đăng ký (cả tăng vốn và đầu tư mới) vào Việt Nam cũng chỉ đạt khoảng 6,4 tỷ USD trong 6 tháng, tức là chỉ tương đương khoảng 73% cùng kỳ. Tuy nhiên, trong số này, có đến 73% vốn chảy vào khu vực doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài nắm 100% vốn.
Trong số các nhà tài trợ FDI thì Nhật Bản vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối với 65% vốn đổ vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, Bình Dương là địa chỉ được ưa thích nhất với gần 40% vốn thu hút được.
Nhật Minh
Các tin khác